• Trang chủ
  • Mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản OCOP

    Mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản OCOP

    0
    492

    Hiệu quả từ thực hiện chương trình OCOP ở nhiều địa phương trên cả nước thời gian qua được đánh giá là khá rõ nét, tạo ra “làn gió” mới trong sản xuất và phát triển nông nghiệp nói chung. Trong đó, khâu mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu được chú trọng, đem lại doanh thu cao cho nhiều sản phẩm.

    Theo Văn phòng điều phối nông thôn mới Bắc Kạn, năm 2021, toàn tỉnh có 100 sản phẩm đăng ký tham gia Chương trình OCOP.

    Kết quả đánh giá cấp tỉnh có 18 sản phẩm đủ điều kiện cấp lại giấy chứng nhận; 3 sản phẩm mới đủ điều kiện tham gia đánh giá sản phẩm OCOP quốc gia; 39 sản phẩm mới đủ điều kiện trình Ủy ban nhân dân tỉnh chứng nhận sản phẩm OCOP đợt 1; 11 sản phẩm tiếp tục hoàn thiện hồ sơ để trình Ủy ban nhân dân tỉnh chứng nhận sản phẩm OCOP đợt 2 (trong năm 2022); 1 sản phẩm đủ điều kiện nâng từ 3 sao lên 4 sao. Với kết quả có thêm 39 sản phẩm mới được cấp giấy chứng nhận OCOP từ 3 sao trở lên, năm 2021, Bắc Kạn đã vượt 195% so với kế hoạch. Đánh giá doanh thu của chủ thể sau khi tham gia Chương trình OCOP cho thấy, 69 chủ thể có số lượng doanh thu tăng, chiếm tỷ lệ hơn 90%; 64 chủ thể tăng năng lực sản xuất, chiếm tỷ lệ hơn 84%.

    Từ chủ thể là kinh tế tập thể đã tạo ra liên kết sản xuất bền vững khi có 24 chủ thể liên kết từ 1-10 hộ; 14 chủ thể liên kết từ 11-30 hộ và 19 chủ thể liên kết hơn 30 hộ. Số lượng chủ thể có diện tích nhà xưởng 50-200 m2 là 26 đơn vị; có diện tích nhà xưởng 201-500 m2 là 10 chủ thể; có diện tích nhà xưởng trên 500 m2 là 16 chủ thể.

    Sản phẩm hàng hóa của Bắc Kạn được bày bán trên các sàn thương mại điện tử.

    Đến nay, các sản phẩm OCOP của Bắc Kạn đã tham gia rất nhiều kênh phân phối, giới thiệu quảng bá trên cả nước. Toàn bộ sản phẩm OCOP đều được tỉnh hỗ trợ đưa lên sàn thương mại điện tử VoSo và sàn thương mại điện tử Postmart. Nhiều sản phẩm đã tạo nên hình ảnh, thương hiệu Bắc Kạn như miến dong, nghệ, dược liệu, tinh dầu cam quýt, gạo đặc sản…, được người tiêu dùng đánh giá cao.

    Bắc Kạn cũng là tỉnh đầu tiên của cả nước vận động, thành lập Hội Doanh nhân OCOP của tỉnh. Đến đầu năm 2022, số lượng chủ thể có 1-5 đại lý tiêu thụ sản phẩm đã nâng lên 38 đơn vị; có 6-10 đại lý là 17 chủ thể; có 10 đại lý trở lên là 8 chủ thể. Các chủ thể đã giải quyết nhiều việc làm cho lao động địa phương. Có 20 chủ thể giải quyết việc làm cho 1- 5 người; 27 chủ thể giải quyết việc làm từ 6 - 10 người; 21 chủ thể giải quyết việc làm từ 11-20 người; 6 chủ thể giải quyết việc làm hơn 20 người.

    Giai đoạn 2021-2025, Bắc Kạn đầu tư hơn 117 tỷ đồng tiếp tục thực hiện phát triển nông lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa. Trong đó, chú trọng tăng cường liên kết sản xuất nâng cao chuỗi giá trị để tăng thu nhập cho dân cư khu vực nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới. Mục tiêu đến năm 2025, toàn tỉnh có 200 sản phẩm OCOP, hai sản phẩm 5 sao; hai sản phẩm du lịch cộng đồng; củng cố, phát triển 50 tổ chức kinh tế tham gia OCOP.

    Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn Đỗ Thị Minh Hoa cho biết, việc kết hợp thực hiện tốt công tác tuyên truyền, hoạt động xúc tiến thương mại đã tạo dư luận tốt về sản phẩm OCOP của Bắc Kạn, bước đầu khẳng định được uy tín, chất lượng trên thị trường trong nuớc và xuất khẩu ra nước ngoài. Giai đoạn đến 2025, với các mục tiêu, chỉ tiêu đã được cụ thể hóa, Bắc Kạn phấn đấu không chỉ tăng số lượng mà tăng cả chất lượng để tiếp tục đưa sản phẩm vươn tới nhiều thị trường lớn.

    ể các doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân phát triển sản phẩm OCOP đúng thực chất, chiếm lĩnh thị trường, làm ăn có lãi, tỉnh Hà Giang thành lập một tổ tư vấn các sản phẩm OCOP gồm các chuyên gia về các lĩnh vực kinh tế, xã hội. Khi các sản phẩm OCOP được đăng ký, tổ tư vẫn của tỉnh có trách nhiệm thẩm định, đánh giá, tư vấn, khuyến nghị về sự phù hợp với đặc thù ở địa phương, tiềm năng về thị trường, cơ hội phát triển.

    Bên cạnh đó, tỉnh cũng hỗ trợ kinh phí và quan tâm đến đầu ra cho sản phẩm OCOP. Tỉnh Hà Giang cũng có chính sách hỗ trợ các chủ thể tham gia chương trình OCOP, theo đó, hỗ trợ in ấn bao bì nhãn hàng hóa đối với các sản phẩm tham gia chương trình OCOP là 100 triệu đồng/sản phẩm; hỗ trợ thiết kế bao bì, tem, nhãn hàng hóa tối đa 3 mẫu/sản phẩm, kinh phí 8 triệu/mẫu; hỗ trợ công tác xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm. Đồng thời, tham gia đầy đủ các hội chợ OCOP trong nước để quảng bá, giới thiệu sản phẩm.

    Các huyện, thành phố trong tỉnh cũng chủ động bố trí đất đai, xây dựng hạ tầng để hình thành các điểm bán hàng OCOP tại những vị trí đắc địa ở đô thị, tại các khu du lịch lớn trong tỉnh. Bên cạnh đó, triển khai các cửa hàng bán sản phẩm tại các tỉnh, thành phố trọng điểm như Hà Nội, Sa Pa (Lào Cai). Tỉnh Hà Giang cũng ký kết chương trình tiêu thụ sản phẩm với các siêu thị lớn như VinMart, Big C, Hapro để bán sản phẩm đặc sản của Hà Giang như mật ong bạc hà, cam sành Hà Giang, gạo đặc sản... Và để các sản phẩm vào được các hệ thống siêu thị lớn thì tỉnh Hà Giang cũng đã hỗ trợ các doanh nghiệp truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

    Thông qua các hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tỉnh Hà Giang đã tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tỉnh kết nối và phát triển thị trường, mở rộng liên doanh, liên kết, gắn kết sản xuất với thị trường theo chuỗi giá trị. Góp phần tăng cường hợp tác, thúc đẩy phát triển kinh tế, đầu tư, du lịch, dịch vụ cho tỉnh.

    Trong giai đoạn 2018-2021, toàn tỉnh có 375 sản phẩm của các doanh nghiệp, Hợp tác xã và hộ dân đăng ký tham gia chương trình OCOP. Trong đó, có 193 sản phẩm OCOP của 87 chủ thể đạt hạng từ 3 sao trở lên, cụ thể: Có 145 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 3 sao; 46 sản phẩm 4 sao; 2 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 5 sao cấp quốc gia. Các sản phẩm OCOP của tỉnh chủ yếu thuộc nhóm ngành gồm: Thực phẩm, đồ uống, thảo dược, thủ công mỹ nghệ, vải-may mặc, dịch vụ du lịch cộng đồng. Một số sản phẩm chủ lực của tỉnh như cam sành, mật ong bạc hà và chè Shan tuyết cổ thụ đã được đưa vào tiêu thụ tại chuỗi siêu thị Vinmart, góp phần ổn định đầu ra, nâng cao thu nhập cho người dân, thúc đẩy phát triển sản xuất theo chuỗi liên kết từ khâu trồng, chế biến đến tiêu thụ các sản phẩm đặc sản của địa phương.

    Đánh giá phân hạng các sản phẩm tham gia chương trình OCOP tại Hà Giang. (Ảnh: Khánh Toàn)

    Mục tiêu của tỉnh Hà Giang trong giai đoạn 2021-2030 là phát triển từ 700-900 sản phẩm OCOP ở thời điểm năm 2030. Phát triển mới 100-150 tổ chức kinh tế tham gia và Chương trình OCOP tạo ra 150-200 tổ chức kinh tế OCOP vào năm 2030. Nhiệm vụ trọng tâm nhất mà chính quyền, ngành chức năng từ tỉnh đến cơ sở ở Hà Giang quan tâm lúc này đó là chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm của các sản phẩm OCOP; tăng cường kiểm tra, thành tra để các sản phẩm OCOP của tỉnh bảo đảm đúng thực chất, tránh tình hàng giả, hàng nhái làm mất uy tín sản phẩm. Cùng với đó là tiếp tục định hướng, hỗ trợ người dân sản xuất các sản phẩm theo hướng an toàn, hữu cơ.

    Ông Hoàng Hải Lý, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Giang cho biết: Qua hơn 3 năm triển khai thực hiện chương trình OCOP, có thể đánh giá đây là hướng đi đúng và phù hợp, đặc biệt với địa phương có nhiều tiềm năng và sản phẩm nông nghiệp đặc trưng. Với sự hỗ trợ tích cực của các cấp ủy, chính quyền và ngành chuyên môn, các sản phẩm OCOP của tỉnh ngày càng tăng về số lượng và chất lượng, được đông đảo người tiêu dùng trong nước biết đến, góp phần tạo dựng uy tín và thương hiệu vững chắc cho nông sản, tạo sức bật cho xây dựng nông thôn mới, cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân.

    THÀNH LẬP CÁC ĐIỂM BÁN HÀNG OCOP

    Theo đánh giá của Chi cục trưởng Chi cục phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang Nguyễn Văn Luy: “Hiện nay, 100% sản phẩm OCOP được đánh giá, phân hạng đã có bước tiến về chất lượng, bao bì, nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc, bảo hộ sở hữu công nghiệp và được kiểm tra định kỳ các chỉ tiêu về an toàn vệ sinh thực phẩm, nhằm tăng sức cạnh tranh của sản phẩm khi đưa ra thị trường”.

    Nhằm bảo đảm sản phẩm OCOP được tiêu thụ ổn định, tỉnh cũng đẩy mạnh mở rộng thị trường tiêu thụ cho người dân qua việc thành lập các điểm bán hàng OCOP ở thành phố Bắc Giang và các huyện; tích cực đưa các sản phẩm đi quảng bá tại những hội chợ trên địa bàn tỉnh hay các địa phương khác để bảo đảm sản phẩm OCOP có chỗ đứng vững chắc trên thị trường.

    Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ mỳ Trại Lâm xã Nam Dương, huyện Lục Ngạn Đào Thị Hương cho biết: “Hiện nay, hợp tác xã có 14 sản phẩm mỳ các loại, bình quân mỗi năm xuất ra thị trường trong nước khoảng 360 tấn và khoảng 13 tấn xuất khẩu sang thị trường châu Âu, Nhật Bản, Australia. Các sản phẩm mỳ của hợp tác xã có 1 sản phẩm đạt 4 sao và 3 sản phẩm đạt 3 sao. Nắm bắt được nhu cầu người tiêu dùng cần những sản phẩm chất lượng, mẫu mã đẹp, vì vậy năm 2017, hợp tác xã đã cho ra dòng sản phẩm là mỳ Chũ Green túi giấy. Đến năm 2019, loại mỳ này được chứng nhận sản phẩm đạt 4 sao. Từ khi đạt sao, lượng mỳ Chũ Green túi giấy có lượng tiêu thụ tăng rất nhanh”.

    Đóng gói mỳ Chũ tại Hợp tác xã sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ mỳ Trại Lâm xã Nam Dương, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang.

    Để phát triển chương trình OCOP, thời gian tới Bắc Giang sẽ sẽ đẩy mạnh xây dựng và hoàn thiện các chuỗi liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường; tăng cường tập huấn, tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ hoàn thiện sản phẩm về bao bì, tem nhãn, thương hiệu, hồ sơ sản phẩm cho các chủ thể có sản phẩm OCOP đã được công nhận từ 3 sao trở lên; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP; phối hợp đưa các sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử.

    Mặt khác vận dụng linh hoạt các chính sách để tiếp tục hỗ trợ các chủ thể nhằm hoàn thiện sản phẩm như: hỗ trợ hạ tầng, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, thiết kế bao bì, in tem truy xuất nguồn gốc, kiểm nghiệm chất lượng sản phẩm…

    Viết bình luận

    Chú ý: Không sử dụng các mã lệnh HTML!